CẬN THỊ
I.Khái niệm.
Cận thị là một tật khúc xạ ở mắt làm các tia sáng tới song song vào mắt được hội tụ ở phía trước võng mạc. Nói một cách khác mắt đó có hội tụ quá mức hoặc như một mắt có trục nhãn cầu trước sau dài hơn bình thường
II. Phân loại cận thị:
– Người ta phân biệt 2 loại cận thị:
+ Tật cận thị (cận thị đơn thuần): có độ cận dưới -6D, không có tổn thương đáy mắt.
+ Bệnh cận thị: có tổn hại ở đáy mắt, khi bệnh nặng lên nhanh chóng gọi là cận thị ác tính, việc chỉnh kính trở lên khó vì không cho thị lực tốt như mong muốn.
III. Nguyên nhân
– Do trục nhãn cầu dài hơn bình thường (làm khoảng cách đến võng mạc dài ra, ảnh không rơi được vào võng mạc).
– Thay đổi cấu trúc, độ cong của nhãn cầu như trong bệnh giác mạc hình chóp, thể thủy tinh cong trong thể thủy tinh chóp trước và chóp sau.
– Đọc sách, xem ti vi, sử dụng vi tính và các thiết bị điện tử quá nhiều, sử dụng nơi thiếu ánh sáng, làm mắt phải luôn điều tiết.
– Tư thế học tập, ngồi đọc, ngồi viết không đúng, bàn ghế không đúng chuẩn học đường.
– Có yếu tố di truyền: bố mẹ bị cận thị tỉ lệ con bị cận thị cao hơn.
Các dấu hiệu nhận biết cận thị ở trẻ em:
– Mắt mờ khi nhìn xa, không tự điều chỉnh bằng điều tiết. Muốn nhìn xa rõ hơn phải nheo mắt, lâu ngày thành tật hoặc phải di chuyển lại gần đồ vật để nhìn rõ hơn, đôi khi là dấu hiệu chỉ điểm cho phép chẩn đoán dễ dàng.
– Nhức mắt, nhức đầu, mỏi mắt khi phải tập trung quan sát các vật trong thời gian dài.
IV. Biến chứng:
1. Tật cận thị (cận thị đơn thuần): Thường không gây biến chứng, trừ trường hợp điều tiết quá kém có thế dẫn đến lác ngoài, không điều chỉnh tốt có nguy cơ bị nhược thị.
2. Bệnh cận thị có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm:
– Tổn thương võng mạc chu biên: thoái hóa hàng rào, vết rách võng mạc… có thể dẫn đến bong võng mạc.
– Tổn thương hắc mạc và giãn lồi củng mạc.
– Thoái hóa hoàng điểm.
– Lác phân kì ở trẻ em…
V. Điều trị:
1. Sử dụng kính gọng: Tật cận thị thường không cần phẫu thuật hay can thiệp nhiều, điều chỉnh kính là phương pháp an toàn và hiệu quả nhất cho trường hợp này. Kính đeo cho người cận thị là thấu kính phân kì, chọn kính có độ thấp nhất cho thị lực tối đa. Nên đeo liên tục và kiểm tra định kỳ mỗi 3 – 6 tháng.
2. Kính áp tròng:
* Ưu điểm:
– Có tính thẩm mỹ cao và cho hình ảnh thật hơn kính gọng.
* Nhược điểm:
– Gây khô mắt, tăng nguy cơ viêm nhiễm kết mạc, loét giác mạc rất nguy hiểm.
– Việc sử dụng, bảo quản phức tạp.
3. Chỉnh giác mạc bằng kính tiếp xúc cứng thấm khí (ORTHO – K):
– Đây là phương pháp điều trị không phẫu thuật, không xâm lấn, phương pháp này sử dụng kính tiếp xúc cứng thấm khí đeo trong lúc ngủ để điều chỉnh hình dạng giác mạc, qua đó điều chỉnh độ cận thị.
– ORTHO-K phù hợp với:
+ Những người bị cận nhẹ, trung bình không kèm loạn thị.
+ Trẻ em đang tăng độ trong quá trình phát triển.
+ Những người không thích hợp hoặc không muốn phẫu thuật khúc xạ.
4. Phẫu thuật chỉnh tật khúc xạ.
VI. Phòng bệnh:
– Khi đọc sách hoặc làm các công việc đòi hỏi nỗ lực thị giác cao ở thị giác gần cần có thời gian để mắt được nghỉ ngơi hợp lý.
– Khoảng cách đọc sách cần phù hợp.
– Khi đọc sách cần có đủ ánh sáng: cách chiếu sáng tốt nhất là từ sau chiếu qua vai hơn là chiếu trực tiếp từ phía trước để tránh phản xạ vào mắt.
– Khi đọc sách hoặc làm máy tính ta cần ngồi ngay ngắn giữ lưng thẳng và thoải mái.
– Đối với trẻ nhỏ cần hạn chế thời gian xem truyền hình và chơi game.
– Ngồi cách truyền hình khoảng cách bằng 7 lần chiều rộng của màn hình (khoảng 2,5 – 3m).
– Tham gia các hoạt động ngoài trời, điều này giúp cho mắt nhìn xa và thị giác được thư giãn.
– Chế độ dinh dưỡng: ăn uống đầy đủ các chất đặc biệt chú ý bổ sung một số thực phẩm giàu Vitamin A, Beta carotene, kẽm,…