Cận thị là một trong những tật khúc xạ thường gặp ở mắt và ngày càng gia tăng trong bối cảnh hiện đại – khi xã hội càng phát triển, trẻ em sớm được tiếp cận với những thiết bị điện tử phục vụ việc học tập và nhu cầu giải trí, đặc biệt gần đây tỷ lệ cận thị ở trẻ em tăng cao, có những em còn rất nhỏ. Tuy nhiên nhiều người còn thờ ơ cho rằng cận thị là tình trạng rất bình thường, không có gì nguy hiểm. Vậy cận thị có thể gây biến chứng gì? Cách phòng ngừa như thế nào?
Cận thị nhẹ (dưới -6Diop): Thường không gây biến chứng.
Cận thị nặng (Trên -6Diop) có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm:
- Tổn thương võng mạc chu biên: thoái hóa dạng hàng rào, vết rách võng mạc… có thể dẫn đến bong võng mạc. Đây là biến chứng rất nặng, có thể dẫn đến mù lòa. Võng mạc có thể rách ở rìa sau và bên của thoái hóa hàng rào do lực co kéo mạnh của liên kết dịch kính – võng mạc sau bong dịch kính sau.
Triệu chứng:
– Hiện tượng ruồi bay: bệnh nhân nhìn thấy chấm đen như ruồi, muỗi hoặc như sợi tóc, khi mắt liếc di chuyển thì chấm đen di chuyển theo.
– Chớp sáng: bệnh nhân thấy chớp sáng như đom đóm hay vệt sáng như tia chớp.
– Khi có hiện tượng bong võng mạc có biểu hiện nhìn mờ và mất thị trường tiến triển như có rèm che.
Điều trị:
– Laser quang đông được chỉ định với những trường hợp có rách võng mạc. Laser sẽ được rào xung quanh để dán vết rách. Do 30% mắt bong võng mạc có vết rách cấp có thoái hóa hàng rào nên có thể laser dự phòng với những trường hợp thoái hóa chu biên, đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử bong võng mạc ở mắt còn lại.
– Khi có bong võng mạc, laser quang đông phải kết hợp với phẫu thuật dịch kính – võng mạc: cố định võng mạc bằng hơi, đai củng mạc kết hợp lạnh đông vết rách và cắt dịch kính qua pars plana kết hợp độn nội nhãn bằng khí nở hoặc dầu silicone.
Cần nhỏ giãn soi đáy mắt càng sớm càng tốt với những bệnh nhân có những triệu chứng trên để kịp thời phát hiện tiến triển của rách hoặc bong võng mạc.
- Tổn thương hoàng điểm:
Do cận thị cao có biến đổi dài trục quá mức nên có thể dẫn tới phình giãn cực sau, là tiền đề xuất hiện của các bệnh lý hoàng điểm như tách lớp và lỗ. Tổn thương vùng hoàng điểm khiến bệnh nhân nhìn mờ và méo hình. Tùy vào giai đoạn tổn thương của hoàng điểm mà có chỉ định phẫu thuật khác nhau.
- Tân mạch hắc mạc: là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất.
– Bệnh nhân có thể có biểu hiện nhìn méo hình, ám điểm trung tâm hoặc cạnh tâm và giảm thị lực.
– Điều trị: Gần đây, liệu pháp kháng thể ức chế yếu tố tăng sinh tân mạch (anti – VEGF) như tiêm nội nhãn bevacizumab đã cho thấy những kết quả đáng khích lệ do khả năng cải thiện thị lực sau điều trị cho bệnh nhân.
- Lác ngoài ở trẻ em: nếu không được điều chỉnh sớm sẽ gây nhược thị. Trong một số trường hợp, bác sĩ nhãn khoa sẽ đề nghị phẫu thuật, nếu không trẻ sẽ gặp các vấn đề về thị lực suốt đời.
Vì vậy, những bệnh nhân có tật khúc xạ nói chung và cận thị nặng nói riêng luôn phải tuân thủ lịch khám 3-6 tháng/lần để đeo kính đúng số và kiểm soát biến chứng ở đáy mắt. Khi phát hiện có những tổn thương ở đáy mắt, người bị cận thị cao cần tăng tần suất khám mắt định kỳ (khoảng 3 tháng/lần). Ngoài ra, những người có độ cận từ 10-15 Diop cần hạn chế tối đa vận động mạnh, không chơi những môn thể thao đòi hỏi dùng sức nhiều như bóng đá, bóng rổ, chạy hay các môn thể thao đối kháng.